Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Vẻ đẹp ngọt ngào của phòng bếp phong cách Vintage

(Emdep.vn) - Những căn bếp với cách bố trí nhẹ nhàng, mộc mạc, dung dị nhưng cũng đủ làm say đắm những cô nàng yêu thích vẻ đẹp ngọt lịm pha chút xưa cũ của Vintage.
  • Công dụng tuyệt vời của ống nhựa trong trang trí nhà cửa
  • Các ý tưởng trồng cây thủy sinh độc đáo cho nhà và vườn
  • 8 gợi ý thiết kế sàn nhà hiện đại và phong cách
Năm 2015 đánh dấu sự "lên ngôi" của phong cách Vintage, không chỉ dành cho những tín đồ thời trang, mà phong cách này cũng được mọi người lựa chọn để làm đẹp cho tổ ấm của mình. Sự kết hợp nhẹ nhàng, nhuần nhuyễn giữa nét đẹp tinh tế của các yếu tố cổ điển từ nhiều thập niên trước với vẻ đẹp tiện nghi, hữu dụng của các yếu tố hiện đại tạo nên không gian bếp mộc mạc, gần gũi và ấm áp. 

Dùng "trắng" làm màu nền

Đặc trưng của phong cách Vintage, đó là tạo nên sự hài hòa giữa yếu tố hiện đại và cổ xưa. Bởi vậy, không chỉ sử dụng đơn thuần những vật dụng cũ, chọn những gam màu hơi "phai nhạt" cho toàn bộ căn phòng, bạn nên chú ý thêm về màu sắc để tạo tính thống nhất và cân đối cho mọi góc nhỏ của không gian. Và trắng là gam màu được lựa chọn để phối với toàn bộ những gam màu còn lại để tạo nên "chất" Vintage cho căn bếp. 
Màu trắng giúp những đồ vật hay màu sơn đậm chất Vintage được nổi bật hơn, sắc nét hơn. Màu trắng cũng giúp tăng sáng cho không gian vốn dĩ hơi "đượm buồn" bởi những sắc màu phai mờ thời gian như vàng, nâu, be, xanh, xám...

Sử dụng những gam màu tự nhiên

Không chỉ nội thất mà những phụ kiện nhỏ xinh cũng được lựa chọn những gam màu tự nhiên. Tuy nhiên, để không gian tạo nên phong cách Vintage, mọi gia chủ thường pha màu chính với chút sắc vàng nhẹ nhàng. Sự có mặt của tông vàng lẫn trong những gam màu khác vừa giúp hạ bớt sự mới mẻ cho căn phòng, vừa giúp không gian thêm không khí đầm ấm, vui tươi.
Những gam màu trong căn bếp Vintage thường rất dễ bắt gặp khi bạn hòa mình cùng thiên nhiên cây cỏ, hòa mình cùng cuộc sống bên ngoài. Màu được sử dụng phổ biến trong căn bếp Vintage đó là vàng nâu, xanh lam, xanh rêu, đỏ và những gam màu pastel như hồng nhạt, be, kem... để mang đến sự nhẹ nhàng, quyến rũ nhưng cũng rất ngọt ngào, duyên dáng cho không gian nấu nướng. Kết hợp khéo léo các gam màu này sẽ mang lại cảm giác bình yên nhất, ấm cúng nhất, thân thiện nhất cho căn bếp Vintage, như một phần linh hồn của Vintage.

Sử dụng sơn làm "phương tiện" trang trí

Khác với các phong cách khác, Vintage "chủ động" tạo nên vẻ đẹp cuốn hút, mềm mại, duyên dáng cho chính nó nhờ việc pha chế sơn. Sơn lên tường, lên nội thất, phụ kiện trang trí... Tất cả đều được nổi bật ấn tượng nhờ bàn tay khéo léo cùng óc thẩm mỹ tinh tế của người sắp xếp, bài trí không gian. 
Thông thường, các kiến trúc sư dùng sơn để sơn lại những nội thất cổ, tô đậm những đường nét bị phai mờ do lớp sơn cũ đã bạc màu để tạo nên nét độc đáo và phá cách cho không gian nấu nướng. Bên cạnh đó, việc sơn tường, sơn trần hay sàn nhà cũng là cách để tạo nên nét đẹp hài hòa, cân đối cho không gian từ màu sắc đến đường nét. Bởi vậy, khi bước vào không gian bếp mang phong cách Vintage, ai cũng sẽ cảm nhận được sự sang trọng nhưng không quá xa hoa, kiểu cách nhưng không hề hào nhoáng, đôi khi lại mang đến cảm giác bình dị, thân quen lạ thường.

Mang đến hơi thở "Vintage" từ những vật dụng "lỗi thời"

Bên cạnh những nội thất, vật dụng hiện đại phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, thì căn bếp Vintage không thể thiếu những vật dụng được bạn nhặt nhạnh, sưu tầm từ thời xa xưa. Những món đồ được xem là "lỗi thời", được tái sử dụng bằng nhiều cách khác nhau: ví dụ như sơn lại, tăng thêm chức năng sử dụng, hay trang trí thêm những chi tiết lạ mắt, mới mẻ. Đồ dùng cũ nhưng không mang đến nét buồn bã, tẻ nhạt cho không gian, mà chúng được "trân trọng", được lựa chọn làm điểm nhấn ấn tượng, tạo nên phong cách đặc sắc mang dấu ấn thời gian, mang đến cho không gian nấu nướng vẻ đẹp lạ mắt, mang hơi hướng hoài niệm.
Điểm nhấn chính tạo nên nét Vintage ở đây chính là những đồ vật trang trí. Bạn nên chú trọng vào tính hoài cổ nhưng không nên quá cổ của chúng. Một chiếc ghế kiểu xưa, một vài bức tranh màu giấy cũ hay đèn treo tường là những lựa chọn dễ dàng và an toàn nhất.

Ưu tiên đồ gỗ

Màu của gỗ, chất liệu gỗ của nội thất được ưu tiên trong những căn bếp trang trí theo phong cách Vintage. Nói đến gỗ người ta cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần trang trọng và thanh cao của nó trong mỗi căn bếp. Với nơi nấu nướng Vintage, mọi người thường chọn nội thất chính như bàn ghế ăn, tủ bếp, đảo bếp... cùng sàn gỗ để tạo nên nét dung dị, thân thiện cho không gian.

Không thể thiếu yếu tố lãng mạn

Bên cạnh những gam màu ngọt lịm, thân quen thì căn bếp Vintage đặc biệt thu hút bởi vẻ đẹp cổ xưa pha chút lãng mạn, thơ mộng từ họa tiết hoa lá cũng như hoa tươi trong phòng. Họa tiết hoa có mặt ở rèm cửa, ở chụp đèn trang trí hay ở thảm trải sàn, khăn trải bàn luôn là yếu tố tạo nên sức cuốn hút khó cưỡng cho những căn bếp Vintage.
Để căn phòng nấu nướng mang đậm nét đẹp Vintage, bạn có thể thêm pha những yếu tố trang trí khác như tranh treo tường, đồ dùng ăn uống như cốc, chén, đĩa... với kiểu dáng thanh thoát, đường cong mềm mại... 
Lục Bảo
Nguồn ảnh: Countryliving, Apeemotion
(Theo Congluan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét